P.TGĐ Lazada VN, Đặng Anh Dũng chia sẻ về tính bền vững trong xây dựng doanh nghiệp TMĐT

Theo ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, ngành thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đang đi vào giai đoạn cần phát triển dài hạn và có chiều sâu hơn, theo đó, các yếu tố phát triển bền vững (PTBV) cần phải được tích hợp vào mô hình kinh doanh lõi của doanh nghiệp, một cách đồng bộ và dài hơi.

Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam

Cách đây khoảng 15-20 năm, ngành bán lẻ Việt Nam từng có sự thay đổi rất lớn với sự xuất hiện của các mô hình mua sắm hiện đại như trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… thay vì chỉ có các khu chợ truyền thống. Giai đoạn đầu sau đó, người ta đến trung tâm thương mại, đến siêu thị chỉ để nhìn ngắm, để ‘’tham khảo”, giải trí, chứ chưa nhiều người đến để thực sự mua sắm. Nhưng giờ đây, các mô hình đó đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày.

“Trong tương lai, theo tôi là khoảng 3-5 năm nữa, TMĐT sẽ tạo ra sự chuyển đổi y hệt như ngành bán lẻ cách đây 15 năm. Điều này đã xảy ra ở Trung Quốc và Mỹ, nơi TMĐT gần như đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cơ bản của người dùng. TMĐT hiện nay đã phát triển đến mức tinh tế: các sản phẩm, ngành hàng, dịch vụ thanh toán, giải trí… là sự dịch chuyển rất lớn so với mô hình phát triển thô, những thu hút mang tính nhất thời trước đây’’ – ông Đặng Anh Dũng nhấn mạnh.

Để đạt được sự chuyển đổi này, theo Phó Tổng giám đốc Lazada, phát triển bền vững là điểm hội tụ mà các doanh nghiệp trên thị trường thương mại điện tử cần đạt được. Ông Dũng đánh giá, giai đoạn đầu, khi thương mại điện tử phát triển thô, nóng, tốc độ nhanh, thì sự hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng là chưa nhiều. Trong thời gian tới, thương mại điện tử sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cấp sự hiểu biết về người dùng, về khách hàng. Và dựa trên hiểu biết đó, làm thế nào để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất về những lựa chọn, ngành hàng, các sản phẩm, mức giá…

Phát triển bền vững không chỉ là câu chuyện môi trường

Khái niệm phát triển bền vững thường được công chúng biết đến nhiều với các hoạt động về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), tuy nhiên Báo cáo ngành Thương mại điện tử năm 2023: “Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số” (tải Báo cáo tại đây) do Lazada, VCCI và nhóm chuyên gia ngành công bố mới đây đã chỉ ra, để TMĐT phát triển bền vững, không chỉ là ESG, doanh nghiệp cần phải phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột quan trọng.

4 trụ cột của việc phát triển bền vững của TMĐT được báo cáo chỉ ra bao gồm: (1) Phát triển kinh doanh bền vững; (2) Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; (3) Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao và (4) Phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Về phát triển kinh doanh bền vững, báo cáo chỉ ra các yếu tố tạo nên kinh doanh bền vững của TMĐT. Trong đó, việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững trên cả 3 phương diện môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển kinh doanh bền vững cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững trên TMĐT thông qua ứng dụng công nghệ; Phát triển hệ sinh thái TMĐT bền vững để nâng cao năng lực phục vụ cốt lõi của mình; và Quản lý tài chính bền vững để tối ưu hoá, bảo vệ tài sản và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.

Về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, báo cáo đánh giá tính ổn định và an toàn thông tin là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Báo cáo nhấn mạnh hệ thống logistics hiệu quả sẽ là “chìa khoá” cho các doanh nghiệp TMĐT giúp kết nối đầu cuối trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng và gia tăng trải nghiệm mua sắm TMĐT của khách hàng.

Về phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, báo cáo cho biết mấu chốt của ngành TMĐT Việt Nam là sự chênh lệch và thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng của nhân lực số so với nhu cầu từ thị trường. Để đáp ứng được tính cấp thiết trong việc đào tạo nhân lực, việc xây dựng mô hình quản lý và phát triển nguồn nhân lực bền vững đảm bảo ba yếu tố: đa dạng, công bằng và hoà nhập, đối với các doanh nghiệp TMĐT là vô cùng quan trọng.

Từ nay đến hết 2024, Lazada triển khai dự án Lazada Ecommerce Education, tích cực hợp tác với chuỗi các trường đại học nâng cao chương trình đào tạo, góp phần củng cố nguồn nhân lực TMĐT

Về phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng, theo báo cáo, muốn đạt được hiệu quả nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, việc ứng dụng công nghệ là điều không thể bỏ qua. Các công nghệ hiện nay được đánh giá là hiệu quả cho trải nghiệm người tiêu dùng trên nền tảng TMĐT bao gồm: shoppertainment, cá nhân hoá và công nghệ thực tế ảo.

Nhận diện điểm khác biệt giữa một công ty phát triển bền vững và không bền vững

Ông Đặng Anh Dũng phân tích, việc thu hút khách hàng chỉ dựa trên voucher, khuyến mại một cách không bền vững chỉ nằm trong giai đoạn phát triển thô, nóng của TMĐT. Để thực sự tạo ra sự chuyển đổi như ngành bán lẻ từng làm được, cần biến thương mại điện tử thành lựa chọn hàng ngày. Xu hướng sắp tới của thương mại điện tử sẽ là kết nối mở, để cung cấp cho khách hàng nhiều giải pháp, ví dụ như thanh toán số, mua trước trả sau… Cùng với đó là các xu hướng như shoppertainment, livestreaming, short video… làm thế nào để tương tác với người dùng một cách thân thiện, gần gũi hơn và trong thời gian thực.

Lãnh đạo Lazada Việt Nam cũng khẳng định, việc xây dựng một mô hình kinh doanh phát triển bền vững không chỉ xảy ra trong 1-2 tháng hay 1-2 quý, mà phải sự phát triển đồng bộ cả về triết lý kinh doanh. Triết lý kinh doanh sẽ là kim chỉ nam để ban lãnh đạo đưa ra quyết định đầu tư một cách đồng bộ về con người, hạ tầng, công nghệ, chính sách, các chiến dịch kinh doanh.

Sự khác biệt giữa một công ty phát triển bền vững và không bền vững nằm chính ở sự đồng bộ đó. Vì để có một mô hình kinh doanh bền vững, tổng thể và tích hợp, thì cần nhiều thời gian. Những doanh nghiệp chưa phát triển bền vững ở thời điểm hiện tại, đến một lúc nào đó, họ cũng sẽ hội tụ ở điểm đó, và sẽ mất thời gian để xây dựng.

‘Nếu quan sát kỹ thị trường, bạn sẽ thấy một số mô hình kinh doanh nhìn đang rất nóng, rất rầm rộ. Họ đang đi lại đúng con đường mà Lazada đã đi cách đây 6-7 năm, tạo ra một sự choáng ngợp nhất định với tốc độ tăng trưởng cao. Nhưng tôi tin sau đó họ cũng sẽ quay lại mô hình bền vững, là tập trung làm tốt việc cung cấp giải pháp giao nhận, hậu mãi, thanh toán, trải nghiệm khách hàng… Cách tương tác với người dùng có thể khác nhau, nhưng sau cùng thành công vẫn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp xác định mình sẽ tập trung vào tệp khách hàng nào và hiểu tệp khách hàng của mình ra sao’ – ông Dũng nói.

Ông Đặng Anh Dũng lập luận, khi các doanh nghiệp phát triển bền vững một cách toàn diện, họ sẽ tích hợp tất cả những điểm liên quan đến phát triển bền vững vào trong mô hình kinh doanh lõi của họ, một cách hữu cơ, không thể mất đi được, và khi tăng trưởng thì tất cả các yếu tố bền vững đều phát triển đồng bộ, chứ không giống như một người tập thể thao không đều, thì bắp tay này to, bắp tay kia lại bé.

‘Có những doanh nghiệp nói rằng họ phát triển bền vững, nhưng không tích hợp sự bền vững đó vào mô hình kinh doanh của họ, mà chỉ là một phần được thêm vào. Mà đã là phần bị thêm vào thì có thể rơi rụng dọc đường lúc nào không biết (cười)’ – sếp Lazada nói.

Với một doanh nghiệp TMĐT thì sức ép của việc phải thu hút người dùng là luôn có, không bao giờ biến mất cho dù tình hình kinh tế, xã hội nói chung có thay đổi thế nào. Nhưng rõ ràng, mô hình phát triển bền vững là mô hình dài hơi, và trong nhiều trường hợp, một số doanh nghiệp chịu sức ép ngắn hạn không chỉ từ thị trường, đối thủ mà còn từ các nhà đầu tư. Theo đại diện Lazada, may mắn là Lazada không chịu sức ép này lớn như một số người chơi khác trên thị trường, và điều đó cho doanh nghiệp này ‘khoảng không’ để nhìn câu chuyện một cách dài hơi hơn.

Phát triển bền vững – xu hướng không thể đảo ngược

Trong những năm gần đây, TMĐT được xác định là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế số Việt Nam, tạo cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả, khuyến khích tiêu dùng số phổ biến trên phạm vi toàn quốc; đồng thời nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: ‘Khi TMĐT trở thành trung tâm kết nối các ngành nghề liên quan như logistics, tài chính, tiêu dùng… thì việc phát triển TMĐT bền vững là vô cùng quan trọng để tạo nên một hệ sinh thái bền vững. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết vững chắc hơn; gia tăng lợi ích lẫn nhau, cũng như lợi ích cho người tiêu dùng trên nền tảng TMĐT’.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

‘Doanh nghiệp thương mại điện tử không có sứ mệnh gì khác hơn so với các doanh nghiệp bình thường, là làm sao để đóng góp tích cực vào xu hướng bền vững của nền kinh tế. Phát triển bền vững, tôi cho là không ai có sự lựa chọn nào khác, dù cách làm của từng ngành có thể khác nhau’ – ông Đặng Anh Dũng nói thêm.

Thực tế cho thấy, một điển hình cho lợi ích từ TMĐT bền vững, là sau hai năm Covid-19 và những biến động từ thị trường, khả năng chống chịu và thích ứng của doanh nghiệp trước những tác động bên ngoài được nâng cao rõ rệt; số liệu trong báo cáo cho thấy ngành TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả trong những thách thức đó.

Ông Nguyễn Quang Vinh cũng đồng tình rằng, phát triển bền vững là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược đối với mỗi nền kinh tế, với mỗi xã hội, với mỗi quốc gia và trên cả quy mô toàn cầu. Phát triển bền vững là yếu tố bắt buộc và tiên quyết cho sự phát triển lâu dài, toàn diện và bao trùm. Tuy nhiên muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì cần sự chung tay từ nhiều phía: Chính phủ doanh nghiệp và cộng đồng; cũng như cần xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với những điều kiện phát triển của mỗi bên tham gia.

Đặc biệt, doanh nghiệp TMĐT nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung muốn phát triển bền vững thì cần phải hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đi cùng với bảo vệ môi trường và phát triển con người, xã hội. Bởi vậy, việc áp dụng mô hình kinh doanh bền vững hay gia nhập vào một hệ sinh thái phát triển bền vững như trong Báo cáo TMĐT năm 2023 đề ra sẽ trở thành yếu tố giúp cho doanh nghiệp xác định được định hướng và chiến lược phát triển dài hạn, nhất là trong kinh tế hội nhập.

Theo Markettimes.vn

Có thể bạn chưa biết? – Báo cáo “Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số” do Lazada kết hợp cùng VCCI và các chuyên gia thực hiện sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT góc nhìn tổng quan về tiềm năng ngành, tầm quan trọng của phát triển bền vững trên TMĐT; vai trò của TMĐT trong chuyển đổi số, cùng với các xu hướng của TMĐT trong tương lai. Trong báo cáo, Lazada và các chuyên gia đã gợi ý 4 trụ cột của TMĐT phát triển bền vững:

  • Phát triển kinh doanh bền vững
  • Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững
  • Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao
  • Phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng

Đồng thời, qua báo cáo các chuyên gia cũng đưa ra dự đoán của mình về 6 xu hướng phát triển bền vững của ngành TMĐT trong thời gian tới. Tải báo cáo ngay để không bỏ lỡ những thông tin thú vụ ngay tại đây.

Bài viết trước

Lịch nghỉ lễ 30.4 - 1.5.2023: Thông báo Thời gian Làm việc & Thanh toán

Bài viết sau

Lazada Việt Nam & Trường ĐH Thương mại chính thức ký hợp tác nâng tầm đào tạo TMĐT

Bài viết liên quan