Giảng Viên Nguyễn Tấn Xuân: Khi thị trường không còn là ‘đại dương xanh’, cần chủ động biến khó khăn thành lợi thế

Không muốn tiếp tục với công việc văn phòng, thường xuyên phải xử lý công việc ngoài giờ hành chính, tôi quyết định bỏ việc và kinh doanh online. Vấp ngã đau đớn, rồi lại đứng dậy làm lại, đến giờ, tôi tin lựa chọn thương mại điện tử (TMĐT) là con đường đúng đắn.

Tôi là Xuân (30 tuổi), đã kinh doanh mặt hàng chăm sóc sức khỏe và đồ gia dụng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) từ năm 2018. Sau 4 năm lên sàn, tôi dần quen việc và có được nguồn thu nhập ổn định, có thể tạm gọi là thành công.

Từng có nhiều bạn trẻ tìm đến tôi để xin lời khuyên về khởi nghiệp trên TMĐT. Các bạn trăn trở khi TMĐT ngày càng phổ biến, việc kinh doanh và làm giàu từ mảnh đất này sẽ không còn dễ thở như trước, các bạn băn khoăn không biết liệu mình có đi sai đường. Thế nên hôm nay, tôi muốn kể lại chi tiết hơn cho các bạn nghe cú vấp đau đớn của tôi, và việc ‘ngã ở đâu đứng lên ở đó’ với TMĐT, để các bạn thấy rằng, tuy con đường này không trải ‘hoa hồng’, nhưng bắt đầu với TMĐT, với tôi đã là con đường đúng.

Sau khi tốt nghiệp, tôi lựa chọn làm ở một công ty nước ngoài. Ban đầu, tôi khá hài lòng vì mức lương ổn, nhưng được một thời gian, tôi cảm thấy khá mệt mỏi. Ngoài thời gian làm 8 tiếng ở văn phòng, tôi vẫn phải phục vụ khách hàng gần như 24/24 vì trụ sở chính ở nước ngoài.

Thời điểm đó, tôi có một người bạn đã kinh doanh online và làm ăn rất ổn. Dù 5 – 6 năm về trước, bán hàng online không được mọi người coi trọng, và cũng không hề nhàn hạ chút nào, nhưng người bạn đó nói với tôi rằng: “Cứ làm đi (kinh doanh online – PV), bây giờ cái gì người ta cũng cần”. Câu nói này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, vì mình còn trẻ, vẫn có thể chịu khổ thì tại sao lại không thử thách bản thân. Vậy là tôi đã quyết tâm bắt đầu, với số vốn 30 triệu tiết kiệm được từ ngày đi làm công ty.

Rất hồ hởi vào nghề, cũng tự tin khi trước kia làm IT nên rất dễ dàng tiếp cận với 4.0. Nhưng khi  khởi nghiệp với TMĐT, tôi hoàn toàn là dân ‘amateur’ và không hề có kinh nghiệm, nên không tránh khỏi vấp ngã.

Cú vấp đầu đời seller của tôi là với sản phẩm thiết bị chống trộm xe máy. Thiết bị tôi làm không cần pin hay điều khiển từ xa, được gắn trực tiếp vào xe và người dùng chỉ cần chạm vào một điểm bí mật trên xe để khởi động xe, giải quyết được vấn đề tồn đọng của những sản phẩm chống trộm thời bấy giờ. Tôi tự hào và tâm đắc cực kỳ.

Tuy sản phẩm rất tốt, xưởng sản xuất lại yêu cầu phải đặt hàng với số lượng lớn. Việc này quá sức và nằm ngoài tiềm lực của tôi lúc đó. Thậm chí tôi phải vay thêm tiền để nhập hàng, mà cuối cùng lại không bán được, vì không có cách nào làm cho sản phẩm viral hơn. Thế là phá sản lần một, ôm nợ. Kinh nghiệm đầu tiên mà tôi rút ra cho mình là cần nghiên cứu kỹ hơn về mặt hàng kinh doanh trước khi quyết định đầu tư sản xuất.

Rồi tôi quay lại công việc văn phòng, đi làm để trả nợ, nhưng vẫn nung nấu ý định ‘làm giàu’ với TMĐT. Lần hai, tôi quyết định thử sức với ngành hàng sức khỏe trên Lazada, với suy nghĩ: thuyết phục mọi người mua một máy đo huyết áp, máy massage cho bản thân rất khó nhưng nếu mua cho bố mẹ thì rất dễ dàng.

Và việc thành công với ngành này, có một nửa là may mắn. Vì đến năm 2019 khi đại dịch xảy ra, mọi người đều quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, nhu cầu bùng nổ, tôi cũng hưởng lợi.

Lúc ấy, tôi nghĩ đến với Lazada thực sự là một lựa chọn đúng đắn vì có rất nhiều ưu đãi cho những nhà bán hàng nhỏ mới lên sàn. Việc tìm kiếm một kênh kinh doanh mới đã mang đến cho tôi những tệp khách hàng mới và nguồn thu mới, vì Lazada cũng rất có thế mạnh về ngành hàng chăm sóc sức khỏe. Tôi thấy việc chọn đúng sàn phù hợp để kinh doanh là vô cùng quan trọng.

Ngoài mặt hàng chăm sóc sức khỏe, tôi cũng bán thêm hàng gia dụng. Và tôi lại nghĩ đúng lần nữa. Doanh số lên rất cao, có tháng lên tới 1 tỷ đồng và đạt vị trí top 1 ngành hàng. Một bài học nữa tôi nhận ra là, khi kinh doanh online, nếu nhìn thấy cơ hội trước mắt và lợi ích tiềm năng, các bạn nên nhanh chóng nắm lấy, vì có những cơ hội chỉ đến một lần.

2 năm đại dịch là 2 năm cơ hội của tôi khi chọn đúng ngành kinh doanh, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn và nhờ vậy, tôi lại có thêm những bài học về tài chính. Có thất bại nhưng bù lại, tôi có một bước tiến rất xa trong tư duy về kinh doanh của mình.

Quay lại việc nhiều bạn còn băn khoăn là kinh doanh TMĐT giờ chắc khó lắm, thì tôi nghĩ khó cái này dễ cái khác, các bạn nếu bắt đầu với TMĐT ngay bây giờ, sẽ có nhiều thuận lợi hơn tôi ngày xưa.

Thời điểm tôi bắt đầu làm, nhà phân phối hiếm lắm, rất khó tìm, so với bây giờ là thời điểm vàng, mọi thứ đều sẵn sàng để chúng ta khởi nghiệp. Khi đó, tôi bắt buộc phải tìm mọi chỗ, thử hết chỗ này đến chỗ kia. Đầu tiên, có thể nhà cung cấp không tốt lắm nhưng đảm bảo chất lượng sản phẩm, lợi ích ít một chút cũng không sao. Rồi tôi lại tiếp tục tìm đến những nhà cung cấp khác, so sánh giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ để có thể chọn ra nhà tốt nhất.

Thời điểm này, nhà phân phối dễ tìm hơn, giúp các bạn dễ dàng đa dạng hóa nguồn hàng. Trong trường hợp đứt nguồn cung với nhà cung cấp này thì các bạn hoàn toàn có thể chủ động về nguồn hàng của mình với những nhà cung cấp mới.

Hơn nữa, khi TMĐT phát triển, việc học hỏi để làm nghề cũng dễ hơn xưa. Thời chưa biết đến Lazada, tôi phải tự tìm tòi mọi thứ, từ ngành hàng, nguồn hàng, quan sát đối thủ. Nhưng giờ khi ngành đã phát triển, những điều này mọi người đều có thể dễ dàng tìm trên mạng hoặc Học viện Lazada.

Tất nhiên, khởi nghiệp với TMĐT khi thị trường đã đạt độ chín nhất định, đúng là các bạn sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều người, nhưng đừng vì thế mà bỏ cuộc. Tôi đã học được rằng, trong mọi hoàn cảnh, phải chủ động biến khó khăn thành lợi thế.

Một kinh nghiệm cá nhân mà tôi rất muốn chia sẻ, là việc bán hàng, chăm sóc khách hàng đôi khi phải đi trước khách hàng. Bây giờ khách hàng rất thông thái, khi thị trường có nhiều nhà bán hàng cạnh tranh nhau, thì lúc tìm mua sản phẩm, khách không còn đọc các feedback 5 sao nữa, họ sẽ đi tìm những phản hồi 1 sao, để biết thực sự sản phẩm có chất lượng hay không. Nghĩ đến tâm lý đó, tôi thường đọc những phản hồi xấu của các seller khác để rút kinh nghiệm cho bản thân.

Việc tìm hiểu đối thủ khi kinh doanh vốn là điều hết sức cơ bản. Bản thân mình phải biết đối thủ của mình là ai, họ đang làm ăn ra sao. Rồi phải tìm tòi xem nhược điểm lớn nhất của họ là gì, liệu tôi có thể khắc phục nhược điểm của họ ở chính nhãn hiệu của mình hay không.

Ví dụ, có nhà bán hàng bị chê giao hàng chậm, không trả lời tin nhắn, vậy thì tôi sẽ giao hàng nhanh hơn, trả lời tin nhắn của khách hàng kịp thời. Khi mua hàng online, khách hàng sẽ không được xem và trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, nên điều quan trọng là phải cho họ niềm tin. Hay có nhiều phản hồi nói rằng sản phẩm có quá ít mẫu mã hay màu sắc, vậy tôi sẽ liên hệ với nhà cung cấp để làm việc về vấn đề này.

Tóm lại, nếu các bạn có sở thích kinh doanh và muốn đến với TMĐT thì hãy từng bước tìm hiểu về ngành này. Còn nếu muốn thay đổi nhưng vẫn ngại thì sẽ rất khó thành công. Khi còn đi học các lớp về kinh doanh, thầy giáo cũng thường nói, bán hàng mà thiếu quyết đoán hay ngại rủi ro thì sẽ không bao giờ có lời hay thành công được.

Lời cuối cùng, tôi muốn chúc mọi người sẽ dám bắt đầu để bước trên con đường thành công riêng. Cá nhân tôi thấy, với TMĐT, bạn có thể khởi nghiệp và kiếm được rất nhiều tiền so với công việc khác, thậm chí kiếm được cả trăm triệu trong một tháng. Nhưng điều quan trọng là hãy dám bắt đầu và dám đương đầu với khó khăn. Thành công chỉ đến khi chúng ta dám bắt đầu.

Theo CafeF.vn

Tìm đọc thêm những chia sẻ thú vị khác từ đội ngũ Nhà bán hàng chuyên gia tại đây.

Bài viết trước

Học offline nâng cấp kiến thức & tăng tốc doanh số cùng Học Viện Lazada Số lượng có hạn

Bài viết sau

Lorikeet cập nhật mới: Loạt thắc mắc phổ biến & Giải đáp từ Lazada

Bài viết liên quan