Bán hàng như một chuyên gia? Nên bán ít hay nhiều sản phẩm?

Anh Đỗ Quang Huy – Giảng Viên Học Viện Lazada 2021 chia sẻ ưu và nhược điểm của 2 mô hình bán hàng: bản ít sản phẩm và bán nhiều sản phẩm.

Chia sẻ của anh Đỗ Quang Huy – Nhà Bán Hàng Chuyên Gia, Giảng viên Học Viện Lazada, chủ gian hàng Huy Tuấn.

Anh Đỗ Quang Huy - Nhà Bán hàng Chuyên gia, Giảng viên Học Viện Lazada

Chắc chắn chúng ta thời gian qua đều rất ngưỡng mộ và thần tượng mô hình kinh doanh có ít mã sản phẩm (dưới 10 mã sản phẩm) hoặc thậm chí chỉ bán 1 sản phẩm duy nhất mà doanh số lên đến vài tỷ 1 tháng. Một Case Study cực kỳ hấp dẫn và trở thành khát khao của mọi người bán hàng. Bán ít, lợi nhuận cao, quản lý khỏe.

Tuyệt vời hơn nữa khi không phải làm gì mà có hệ thống tự động tạo ra tiền, ta chỉ việc đi chơi, ăn uống sang chảnh là được. Vậy thực tế ra sao? Hãy cùng Huy phân tích nhé trong bài viết dưới đây nhé, đây chỉ là góc nhìn cá nhân, không có đúng sai Huy chỉ mong cung cấp được thêm nhiều thông tin và góc nhìn cho bạn đọc.  

Đầu tiên trước khi đưa ra quyết định hãy cùng Huy điểm qua, phân tích ưu, nhược điểm của từng loại hình nhé.

1. NHÀ BÁN HÀNG BÁN ÍT SẢN PHẨM

Đây là một dạng chiến lược kinh doanh: bán số lượng mã sản phẩm ít có thể dưới 10 mã hàng (một mã tương đương một loại sản phẩm khác nhau chứ không tính màu sắc, kích thước, phiên bản nâng cấp,v.v.) nhưng số lượng nhiều hoặc chỉ bán duy nhất một mã sản phẩm với số lượng cực nhiều.

Bán hàng như một chuyên gia? Nên bán ít hay nhiều sản phẩm? (1)

Ưu điểm khi bán ít sản phẩm:

  • Dễ quản lý: Đương nhiên rồi, khi bạn chỉ có một sản phẩm hoặc 10 mã sản phẩm thì việc quản lý trở nên cực kỳ dễ dàng. Tồn kho, hàng hỏng, lỗi phát sinh sẽ được quản lý một cách đơn giản. 
  • Dễ marketing: Việc chọn lựa sản phẩm nào để chạy chương trình nào không còn là trở ngại, bạn chỉ cần tập trung phân tích tệp khách hàng và lên kế hoạch truyền thông bài bản là xong.
  • Tối ưu chi phí: Đây là lợi thế cực lớn khi bạn nhập hàng số lượng cực lớn, giá của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều so với người nhập số lượng nhỏ lẻ.
  • Giấy tờ đầy đủ: Với việc nhập số lượng lớn bạn sẽ nhập thẳng từ nhà sản xuất do đó hoàn toàn có giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn bán hàng hợp lệ.
  • Xây dựng thương hiệu riêng: bạn được quyền xây một thương hiệu riêng in lên bao bì, nhãn mác sản phẩm đây là lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn.

Nhược điểm khi bán ít sản phẩm:

  • Vốn lớn: Bạn cần chuẩn bị sẵn một nguồn vốn để nhập số lượng lớn sản phẩm. Chưa kể khi bán được ½ lượng hàng nhập đầu tiên, bạn đã phải chuyển khoản tiền để nhập gối đầu lô hàng thứ 2. Nếu vận chuyển hàng qua đường biển có thể sẽ mất từ 1-2 tháng để nhận được hàng.
  • Thời gian nghiên cứu sản phẩm: Thay vì làm phát ăn ngay, hoặc thích gì ra chợ mua về bán. Bạn cần phải tổng hợp kiến thức từ phân tích thị trường, phân tích sản phẩm, phân tích nhu cầu khách hàng,v.v. rồi từ đó mới ra quyết định chọn sản phẩm nào để bán. Thậm chí có thể mất 6 tháng đến 1 năm mới ra được sản phẩm thích hợp.
  • 50/50 rủi ro: Cho dù bạn có giỏi đến đâu cũng vẫn có xác suất nhập hàng về không bán được. Hãy tính đến phương án dự phòng.
  • Tốn diện tích: Bạn cần chuẩn bị kho chứa hàng có diện tích tương đối phù hợp với khối lượng sản phẩm của bạn.

2. NHÀ BÁN HÀNG BÁN NHIỀU SẢN PHẨM

Đây là chiến lược kinh doanh: bán nhiều loại sản phẩm từ 50 mã trở lên (một mã tương đương một loại sản phẩm khác nhau chứ không tính màu sắc, kích thước, phiên bản nâng cấp,v.v.). Mỗi mã nhập số lượng tồn kho thấp từ 10- 50 hoặc 100. Không tính dạng drop ship ( không có sản phẩm nào trong kho)

Bán hàng như một chuyên gia? Nên bán ít hay nhiều sản phẩm? (2)

Ưu điểm khi bán nhiều sản phẩm:

  • Vốn không quá lớn: bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với số vốn vừa phải. Từ 10 triệu, 20 triệu hay 50 triệu cũng được. Bán đến đâu, nhập đến đấy, không nhất thiết phải nhập số lượng lớn ngay từ đầu
  • Dễ có cơ hội bán hàng, rủi ro chấp nhận được: nếu bạn làm tốt, bài bản và đúng phương pháp. Không sử dụng các thủ thuật tút, trick, black thì cũng có thể có đơn tự nhiên trong một khoảng thời nhất định, có thể dưới 1 tháng. Nếu bạn nhập những dòng sản phẩm đã có người bán trên thị trường rồi, sức mua đang tốt thì việc ra đơn tự nhiên không quá khó. Tất nhiên mới đầu thì không thể có 50-100 đơn/1 ngày.
  • Tiết kiệm thời gian nghiên cứu thị trường: thay vì mất 6 tháng đến 1 năm, bạn chỉ cần xem thị trường đang có nhu cầu mua sản phẩm gì nhiều và tham khảo theo và lựa chọn sản phẩm bán phù hợp là được.
  • Không chiếm diện tích: bạn dễ dàng chuẩn bị một ô diện tích xinh xinh với vài kệ đựng sản phẩm là đã có thể quản lý được sản phẩm của mình.

Nhược điểm khi bán nhiều sản phẩm:

  • Hàng hoá không giấy tờ, khó có giấy tờ: nếu bạn nhập lại từ tổng kho thì hóa đơn mua bán là một trở ngại
  • Giá cao: rõ ràng khi nhập số lượng nhỏ, hàng phổ thông ai cũng mua được, giá bạn sẽ không tối ưu và bạn phải cạnh tranh với hàng trăm người bán khác
  • Khó quản lý: khi có nhiều mã hàng, hết mã này, tồn mã kia, kiểm soát sẽ dần khó khăn khi bạn không có chuyên môn , kỹ năng nhất định
  • Khó kiểm soát chất lượng : nếu bạn nhập lại từ tổng kho sẽ phải chấp nhận hậu quả hàng về theo lô khác nhau, có lô hàng tốt nhưng cũng có lô hàng kém chất lượng

3. KẾT LUẬN:

Bán ít sản phẩm nhưng với số lượng lớn: phù hợp với kinh doanh chuyên nghiệp, có nền tảng kiến thức chắc chắn, sâu, rộng và hậu thuẫn kinh tế ổn định. Sẽ không phù hợp cho các nhà bán tay mơ muốn nhảy vào thị trường.

Bán nhiều sản phẩm với số lượng nhỏ, vừa vừa: phù hợp với các cá nhân tập kinh doanh, mới tham gia thị trường thương mại điện tử, làm nghề tay trái, làm thêm, vừa làm vừa học.

Đó là những lưu ý nhỏ cho các nhà bán giúp bạn có một cái nhìn thiết thực hơn về việc có nên đa dạng hóa với số lượng nhiều sản phẩm kinh doanh hay không. Lựa chọn đúng sẽ giúp nhà bán vững vàng hơn trên thị trường Thương mại điện tử nhiều biến động hiện nay.

Anh Đỗ Quang Huy hiện là một trong những giảng viên có nhiều đóng góp của Học Viện Lazada với hơn 10 năm kinh nghiệm kinh doanh trên Thương Mại Điện Tử. Con số đáng kinh ngạc này được anh tích lũy qua quá trình chinh phuc đa sàn như Vatgia, Enbac, Muare, Cungmua v.v. Việc vận hành hơn 30.000 đơn hàng/ngày cùng 40 nhân sự giúp anh tăng cường tư duy tốc độ trong kinh doanh của mình cũng như khả năng hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu từ con số 0.

Mời bạn tìm đọc thêm những bài viết hữu ích được chia sẻ bởi đội ngũ Nhà Bán Hàng Lazada tại đây

Bạn cũng có thể tìm đọc những bài viết chuyên sâu của các Nhà Bán Hàng Chuyên Gia tại đây.

 

Bài viết trước

Mô hình kinh doanh quyết định tỷ lệ thành công trên sàn TMĐT

Bài viết sau

Làm sao để nhà bán hàng có thể cạnh tranh giá trên sàn TMĐT

Bài viết liên quan